Thực hiện chuyển đổi số “của dân, do dân, vì dân”
Trong quá trình triển khai CĐS, tỉnh Yên Bái sớm xác định CĐS bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, tạo nên giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng và sử dụng thì CĐS sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số. Tỉnh cũng xác định lực lượng nòng cốt là Đoàn Thanh niên, giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và người dân đam mê, có khả năng sử dụng các nền tảng số, công nghệ số.
Ngay sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông phát động mô hình triển khai Tổ CNSCĐ, tỉnh Yên Bái đã triển khai 100% (173/173) các xã, phường, thị trấn thực hiện thành lập Tổ CNSCĐ cấp xã, với 1.744 thành viên; đối với Tổ CNSCĐ cấp thôn đã có 1.256/1.356 thôn, bản, tổ dân phố được thành lập với 8.526 thành viên. Đây được coi là bước chuyển mình mạnh mẽ của tỉnh Yên Bái từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, đời sống kinh tế và xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức vươn lên trở thành 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước (cùng Lạng Sơn và Thái Nguyên) thành lập được 100% Tổ cấp xã, cấp thôn.
Thực hiện nhiệm vụ Ủy ban Quốc gia về CĐS giao tỉnh Yên Bái tại Quyết định 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022, tỉnh Yên Bái đã xây dựng, thử nghiệm nền tảng (app) công dân số của tỉnh. Nổi bật là ứng dụng công dân số YenBai-S đây là kênh thông tin tương tác quan trọng giữa chính quyền và nhân dân, góp phần cải thiện mức độ hài lòng của dân với chính quyền, nâng cao thứ hạng các bộ chỉ số đánh giá về tỉnh. Điều này thực hiện tốt tư tưởng của tỉnh từ lúc bắt đầu triển khai CĐS, đó là lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và động lực. Ngoài ra, YenBai-S cũng tích hợp các ứng dụng của chính quyền số góp phần phục vụ công tác điều hành kinh tế - xã hội, phục vụ người dân tốt hơn.
Chính sách hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số
Để phần nào giải quyết những khó khăn từ thực tiễn, ngày 09/12/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ CĐS trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, Nghị quyết quy định: “Hỗ trợ hoạt động của Tổ CNSCĐ tham gia các nhiệm vụ CĐS của tỉnh; tập trung hỗ trợ hoạt động của Tổ CNSCĐ đến cấp thôn tại các xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện CĐS, CĐS nâng cao; hỗ trợ công chức, viên chức có trình độ tham gia thực hiện CĐS trong các đơn vị thuộc tỉnh Yên Bái”.
Yên Bái là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành chính sách quy định hỗ trợ cho Tổ CNSCĐ. Mức hỗ trợ xây dựng trên cơ sở phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương, kinh phí hỗ trợ được thực hiện để mua sắm, thuê trang thiết bị, phần mềm hỗ trợ nhiệm vụ CĐS, mua gói cước di động, data và các nhiệm vụ khác nhằm hỗ trợ hoạt động của Tổ CNSCĐ.
Chuyển đổi số là nhiệm vụ mới và khó, nhiều cái chưa có trong tiền lệ. Do đó, cần huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia có kỹ thuật và lựa chọn cách thức thực hiện CĐS phù hợp, toàn diện, thực thi chiến lược “đầu tàu”, chiến lược “vết dầu loang”. Nhưng đồng thời để duy trì và đáp ứng nhu cầu CĐS của người dân, chính quyền các cấp cần quan tâm đến lực lượng hỗ trợ CĐS, tăng cường tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của họ và không ngừng động viên, khích lệ bằng các khoản chi phí hỗ trợ phù hợp. Đó là bài học kinh nghiệm từ việc triển khai CĐS và tổ chức Tổ CNSCĐ của tỉnh Yên Bái với phương châm “không để ai ngoài cuộc trong công cuộc chuyển đổi số”./.