Chào mừng các bạn đến với Trang tin điện tử xã Xuân Thái - Huyện Như Thanh - Tỉnh Thanh Hoá

MỘT SỐ TIN, BÀI VIẾT MẪU TUYÊN TRUYỀN TRÊN HỆ THỐNG TRUYỀN THANH

Đăng lúc: 10:52:16 31/03/2023 (GMT+7)
100%
Print

TUYÊN TRUYỀN VỀ TỘI PHẠM LỪA ĐẢO TRÊN MẠNG XÃ HỘI, MẠNG VIỄN THÔNG

      Theo thông báo của Bộ Công an, hiện nay, tội phạm giả danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... gọi điện thông báo có liên quan đến các vụ án đang điều tra, mua bán ma túy, rửa tiền..., gửi lệnh bắt giữ hay tài liệu liên quan khác qua mạng xã hội để đe dọa, yêu cầu chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định hoặc tài khoản mới mở rồi cung cấp thông tin tài khoản để kiểm tra hoặc tải các đường link, phần mềm giả mạo cơ quan, nhằm đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt. Việc các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, xử lý tội phạm đều được tiến hành trực tiếp, không thông qua mạng xã hội gửi thông báo, tin nhắn yêu cầu. Đề nghị người dân cần cảnh giác, không thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng và trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết./.
      (2) Theo thông báo của Bộ Công an, hiện nay, tội phạm giả mạo là người nước ngoài (sỹ quan, binh lính đang tham gia chiến tranh, làm nhiệm vụ quốc tế tại các khu vực chiến sự... không có người thân) thông qua mạng xã hội làm quen, sau đó lấy lý do gửi quà, đồ vật giá trị, thậm chí là ngoại tệ, vàng có giá trị rất lớn nhờ nhận, quản lý, lưu giữ; sau đó giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt, chi phí tiêu cực... để chiếm đoạt. Đề nghị người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng yêu cầu và trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết./.
      (3) Gần đây, các cơ quan truyền thông ghi nhận nhiều hiện tượng phụ huynh nhận được cuộc gọi thông báo học sinh bị tai nạn đang nhập viện, yêu cầu chuyển tiền gấp vào tài khoản cá nhân người gọi để đóng viện phí. Trước tình trạng trên, cơ quan Công an khuyến cáo: Về phía nhà trường, giáo viên: cần nêu cao trách nhiệm bảo mật thông tin cá nhân của học sinh, phụ huynh tránh để kẻ xấu lợi dụng lừa đảo; rà soát, điểm danh sĩ số đầu giờ, thông báo lên nhóm phụ huynh số lượng học sinh có mặt ở lớp hàng ngày; thiết lập đường dây nóng khi cần thông báo các vụ việc khẩn đến phụ huynh học sinh và tiếp nhận thông tin khi có tình trạng khẩn cấp. Người dân tỉnh táo, đề cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo của tội phạm. Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin trường lớp của các con; thông tin việc làm, địa chỉ cơ quan của bố mẹ, người thân… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Cần kiểm tra thông tin kỹ càng, chính xác trước khi thực hiện hoạt động chuyển tiền, có thể yêu cầu xác nhận qua video trực tuyến, tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ. Nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để tiếp nhận giải quyết. Trong mọi trường hợp, tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, mã OTP điện thoại, các thông tin trên CCCD, CMND, các dữ liệu cá nhân cho bất kỳ ai qua cuộc gọi trên điện thoại/email/tin nhắn/ứng dụng chatbox. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, thư điện tử, tài khoản ngân hàng. Thận trọng khi nhận sử dụng thư điện tử. Không nhấn vào các đường link, các liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử, trong tin nhắn mà chúng ta không chắc chắn nguồn gửi đến. Chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống phần mềm/ứng dụng từ các nguồn đáng tin cậy để tránh bị đánh cắp thông tin của bản thân và các thành viên trong gia đình./.
      (4) Theo thông báo của Bộ Công an, hiện nay, tội phạm lừa đảo đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok...), bỏ tiền tạm ứng, thanh toán qua tài khoản các đơn hàng ít tiền để đặt hàng, sau đó nhận lại tiền tạm ứng và tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng. Đến các lần tiếp theo, thanh toán đơn hàng với lượng tiền lớn thì bị chiếm đoạt, đồng thời nhận được yêu cầu nộp thêm tiền để hệ thống xử lý lỗi và hoàn trả nhưng không được hoàn trả. Đề nghị người dân cần cảnh giác, không tham gia hoạt động nêu trên, khi phát hiện trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết./.
       II. TUYÊN TRUYỀN VỀ NHẬN DIỆN DẤU HIỆU KINH DOANH ĐA CẤP BIẾN TƯỚNG (1) Theo các cơ quan chức năng, hiện nay, kinh doanh đa cấp đang bị biến tướng và xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp. Một bộ phận không nhỏ người dân chưa hiểu rõ về bán hàng đa cấp, bị dụ dỗ tham gia vào nhiều hình thức đa cấp biến tướng. Tại Thanh Hóa, đã xuất hiện tình trạng một số tổ chức núp bóng hội thảo, hội nghị giới thiệu sản phẩm, tặng quà khuyến mại để lừa đảo người dân. Lợi dụng địa bàn nông thôn, người dân ít hiểu biết, nhiều vụ việc bán hàng đa cấp biến tướng đã thực hiện hành vi lừa đảo trót lọt, khiến nhiều người rơi vào cảnh dở khóc, dở cười. Bán hàng đa cấp là một phương thức kinh doanh phức tạp, dễ phát sinh những biến tướng, vi phạm, gây mất ổn định môi trường kinh doanh và thiệt hại cho người tiêu dùng. Do vậy, bên cạnh những giải pháp của các cơ quan quản lý nhà nước, rất cần sự cảnh giác cao độ của mỗi người dân, kịp thời tố giác khi phát hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp; tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc mà hậu quả nặng nề chính là người dân phải gánh chịu.
      (2) Hiện nay, kinh doanh đa cấp đang bị biến tướng và xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp. Lợi dụng địa bàn nông thôn, người dân ít hiểu biết, nhiều vụ việc bán hàng đa cấp biến tướng đã thực hiện hành vi lừa đảo trót lọt, khiến nhiều người rơi vào cảnh dở khóc, dở cười. Một trong những hiện tượng trá hình thường xảy ra đó là tình trạng một số tổ chức núp bóng hội thảo, hội nghị giới thiệu sản phẩm, tặng quà khuyến mại để lừa đảo người dân, nói quá về công dụng sản phẩm, quảng cáo gian dối là hình thức cơ bản để các đối tượng bán hàng đa cấp bất chính thu phục người dân trước những thông tin không có thật. Các doanh nghiệp đa cấp bất chính thường quảng cáo các sản phẩm về thuốc, thực phẩm chức năng có công dụng như những sản phẩm thần thánh, có thể chữa các bệnh hiểm nghèo như ung thư; hoặc quảng cáo về các sản phẩm gia dụng không có chất lượng, nhái các thương hiệu nổi tiếng có giá thành rẻ…với các chiêu trò tặng, cho, dùng thử. Họ đưa ra các ví dụ thực tế qua các hình ảnh, thậm chí các video clip có người bệnh trình bày. Tuy nhiên các hình ảnh vào clip này đều là dàn dựng, không có thật. Do vậy, bên cạnh những giải pháp của các cơ quan quản lý nhà nước, mỗi người dân cần cảnh giác cao độ với những chiêu trò bán hàng của các tổ chức, cá nhân; không nhẹ dạ, cả tin mà mua phải những sản phẩm quá đắt không đúng với giá trị thật của sản phẩm.
      III. TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI
      (1) “Thủ đoạn tội phạm mua bán người: Cạm bẫy phía sau lời đường mật” Theo thông tin từ công an Thanh Hóa, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, xảy ra tình trạng nhiều công dân bị lôi kéo, lừa sang Campuchiatheo con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp để làm việc trong các sòng bài, cá độ, xổ số hoặc game online, sau đó bị các đối tượng người nước ngoài khống chế, ép buộc thực hiện hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Thủ đoạn của các đối tượng là đưa thông tin quảng cáo về công việc nhẹ, không cần kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, với mức lương khá cao (từ 700 - 1.000 đô la/tháng). Sau khi nạn nhân đồng ý muốn làm việc, các đối tượng sẽ liên hệ và tổ chức cho họ nhập cảnh Campuchia. Khi sang đến Campuchia, những người này được đưa đến các khách sạn hoặc sòng bài. Tại đây, họ sẽ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng. Lúc này các nạn nhân mới biết công việc, đãi ngộ không như quảng cáo, họ bị giám sát chặt chẽ, bị bóc lột sức lao động, bị cưỡng bức làm việc (có thể từ 15 – 16 tiếng/ngày), nếu không sẽ bị đối xử tồi tệ. Nhiều người bị tra tấn, đánh đập rất tàn bạo khi tìm cách trốn ra khỏi nơi làm việc, giam giữ. Những người từ chối làm việc và muốn quay trở về Việt Nam thì bị đánh đập, bị bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường hàng ngàn đô la mới được thả hoặc bán cho công ty khác. Chỉ tính từ tháng 4 năm 2022 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện 27 nạn nhân là người Thanh Hóa, trong đó có 19 trường hợp đã được giải cứu, 4 trường hợp gia đình nộp tiền chuộc theo yêu cầu của đối tượng và được thả về nước, hiện nay vẫn còn 4 trường hợp đang bị khống chế, giam giữ trái phép tại Campuchia. Để ngăn chặn kịp thời, nhanh chóng chấm dứt tình trạng nêu trên, đầu tháng 6 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành công văn về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm ngăn chặn tình trạng công dân bị lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang Campuchia và lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến. Mua bán người là loại hình tội phạm đặc biệt nguy hiểm bởi những hệ lụy lâu dài đối với bản thân nạn nhân và toàn xã hội. Việc chung tay của các tổ chức, các lực lượng trong thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ là cơ sở quan trọng để chúng ta ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người, bảo đảm đời sống bình yên cho người dân.
      (2) Chung tay ngăn chặn nạn buôn bán người Kính thưa quý vị! Theo thống kê của các cơ quan chức năng, nạn nhân trong các vụ buôn bán người đa phần là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có mâu thuẫn trong quan hệ gia đình, ít hiểu biết, không có việc làm ổn định hoặc thất nghiệp. Bên cạnh đó, một số nạn nhân là các cô gái ham chơi, đua đòi, thiếu sự quản lý của gia đình, có suy nghĩ nông cạn muốn hưởng thụ, kiếm tiền nhanh chóng mà lại nhàn hạ. Xác định tầm quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của chị em phụ nữ trong việc phòng, chống mua bán người, với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức hội’, trong những năm qua, tại Thanh Hóa, các cấp Hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền hội viên phụ nữ nâng cao cảnh giác, không nghe, không tin vào những lời “đường mật”, dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng xấu, đồng thời, dũng cảm tố giác tội phạm – mỗi người là 1 chiến sỹ trong cuộc chiến đẩy lùi tệ nạn xã hội, phòng chống mua bán người.
      (3) Tội phạm mua bán người tiếp cận nạn nhân qua mạng xã hội Những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, công tác kiểm soát trên địa bàn tuyến biên giới đất liền, tuyến biển của tỉnh được tổ chức chặt chẽ, do đó, tình trạng xuất cảnh, lao động trái phép ra nước ngoài, hoạt động lợi dụng xuất, nhập cảnh để mua bán người cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, tệ nạn mua bán người trên địa bàn 2 tuyến biên giới vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp; tình trạng nhiều công dân bị lôi kéo, lừa sang Campuchia theo con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp để làm việc trong các sòng bài, cá độ, xổ số hoặc game online, sau đó bị các đối tượng người nước ngoài khống chế, ép buộc thực hiện hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng là đưa thông tin quảng cáo trên không gian mạng về công việc nhẹ, không cần kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, với mức lương khá cao (từ 700 - 1.000 đô la/tháng). Sau khi nạn nhân đồng ý muốn làm việc, các đối tượng sẽ liên hệ và tổ chức cho họ nhập cảnh Campuchia Để đẩy lùi tệ nạn xã hội, đặc biệt là nạn mua bán nguời thì mỗi gia đình cần trở thành “pháo đài” vững chắc. Gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục và bảo vệ thành viên không trở thành nạn nhân của mua bán người. Trên thực tế, phụ nữ, trẻ em bị mua bán không chỉ do nhận thức của họ hạn chế, mà trong nhiều trường hợp, còn xuất phát từ gia đình: do kém hiểu biết, thiếu thông tin hoặc lơi lỏng quản lý mà vô tình cha mẹ đã đẩy con, em mình thành nạn nhân của bọn mua bán người.
      (4) Hành vi mua bán người qua không gian mạng Thưa quý vị và các bạn! Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng tiếp cận nạn nhân một cách gọn nhẹ và nhanh chóng. Những "kẻ buôn người" sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Wechat hay dùng số điện thoại “sim rác” với tên giả, địa chỉ giả để dụ dỗ, giả vờ yêu đương, rủ đi chơi, mua sắm tại các nơi giáp biên giới để lừa bán ra nước ngoài; lừa gạt thông qua các hình thức môi giới hôn nhân, giới thiệu lao động ở nước ngoài… Thậm chí, các đối tượng còn thông qua mạng xã hội để thu thập thông tin, tìm kiếm những người phụ nữ sinh con nhưng không có nhu cầu nuôi để gặp gỡ, thỏa thuận việc nhận con nuôi. Sau khi nhận được những đứa trẻ này, các đối tượng mang đi bán để hưởng lợi. Mua bán người được Liên Hiệp Quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu” và ngày 30/7 hằng năm được chọn là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với loại tội phạm này nên thời gian gần đây có giảm so với những năm trước. Tuy nhiên, với sự phát triển của mạng xã hội và sự liên kết của nhiều loại tội phạm với nhau, lực lượng chức năng đánh giá hoạt động mua bán người vẫn sẽ tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường và hoạt động với nhiều hình thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người cần tới sự chung tay của các ban, ngành các cấp và trên hết là sự đề cao cảnh giác từ mỗi công dân. Nỗ lực từ mỗi cá nhân góp phần mang lại thành công trên trận tuyến phòng chống loại tội phạm nguy hiểm này.

Công khai kết quả giải quyết TTHC

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289