Người dân cần biết tới những lợi ích của chữ ký số
Chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số là nhân tố cơ bản đảm bảo tính pháp lý, an toàn và bảo mật cho các giao dịch điện tử của tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên môi trường điện tử. Trong những năm qua, các lĩnh vực áp dụng chữ ký số điển hình như: Thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, kho bạc nhà nước, đấu thầu và đặc biệt là hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần hiện đại hóa thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ số an toàn, tin cậy, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Chữ ký số ngày càng thể hiện tính ưu việt
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông về mặt chính sách, trong thời gian qua, nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác chỉ đạo, điều hành cũng như bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng định hướng cho chuyển đổi số.
Xuyên suốt theo các chỉ đạo, chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số được xác định là thành tố nền tảng pháp lý quan trọng đảm bảo an toàn, xác thực, toàn vẹn, chống chối bỏ cho các giao dịch điện tử của tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong môi trường số. Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, góp phần quan trọng vào xây dựng công dân số, tạo nền tảng cho một xã hội số bền vững, tại Nghị quyết số 130/NQ-CP về hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng cung cấp miễn phí chữ ký số cá nhân cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Cùng với sự phát triển của giao dịch điện tử, chữ ký số ngày càng thể hiện tính ưu việt trong việc tiết kiệm thời gian, chi phí hoàn thành giao dịch nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý, thể hiện đầy đủ ý nguyện của các bên giao dịch.
Chứng thư số công cộng được ứng dụng chính trong thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội…, cụ thể gồm các dịch vụ khai và nộp thuế qua mạng; kê khai hải quan điện tử và các dịch vụ bảo hiểm xã hội điện tử.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, 30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 địa phương đã ứng dụng chữ ký số trong hoạt động quản lý và điều hành. Tính đến hết năm 2022, số chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đã cấp đạt 499.617 chứng thư số.
Nhằm phát triển thế hệ công dân số, tiến tới xây dựng thành công kinh tế số - xã hội số, xác định rõ tầm quan trọng của ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào đời sống, trong năm 2022, với vai trò dẫn dắt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai một số giải pháp nhằm phát triển chữ ký số nói chung, chữ ký số cá nhân nói chung và tập trung vào mô hình ký số từ xa.
Qua đó, một số kết quả nổi bật đã được có thể kể đến như là: Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 769/QĐBTTTT ngày 27/4/2022 ban hành hướng dẫn kết nối ứng dụng sử dụng chữ ký số với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đối với hình thức ký số từ xa.
Bên cạnh đó, đến nay đã có 07 CA công cộng cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô mình ký số từ xa: VNPT-CA; MISA-CA; FPT-CA; BkavCA; Viettel-CA, TrustCA và CA2 góp phần đa dạng dịch vụ, tăng cơ sở thu hút khách hàng cá nhân, và giảm giá thành tiếp cận dịch vụ.
Dưới sự kêu gọi của Bộ Thông tin và Truyền thông, Các CA công cộng đã có nhiều chính sách miễn, giảm giá dịch vụ như miễn phí dịch vụ sử dụng chữ ký số từ xa cho các khách hàng cá nhân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyển; Giảm giá cho các đối tượng được ưu đãi như bác sĩ, giáo viên (với giá khoảng 50.000 đồng/năm sử dụng) để thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục, y tế.
Ngoài ra, chữ ký số từ xa cũng đã có các gói cước trả trước, ký theo lượt, gói cước ngắn hạn với giá chỉ từ 300 đồng/lần ký khi thực hiện các giao dịch khác. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng thành công hệ thống kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa (eSign) theo một chuẩn giao thức chung cho phép dễ dàng kết nối giữa các CA công cộng và ứng dụng sử dụng chữ ký số, các cổng dịch vụ công thông qua API. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia hỗ trợ kết nối thành công giải pháp ký số từ xa vào cổng dịch vụ công các tỉnh/thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thái Nguyên và liên tục phối hợp, hỗ trợ triển khai lần lượt trên các địa phương khác theo hướng dẫn tại Công văn số 936/BTTTT-NEAC ngày 22/3/3023 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thách thức phát triển chữ ký số cá nhân
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mặc dù có các đặc điểm ưu việt, tiện lợi nhất định như đã liệt kê ở trên, nhưng chữ ký số cá nhân ở Việt Nam trong thời gian qua vẫn chưa có được sự phát triển như kỳ vọng.
Chỉ ra nguyên nhân phát triển chưa được như kỳ vọng, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Do thói quen, ngại tiếp cận công nghệ mới, thời gian thực hiện. Đây là trở ngại lớn đối với mục tiêu phổ cập chữ ký số cá nhân đến toàn dân. Sự chấp thuận của cả đôi bên, tương tự tính tiện lợi, để thay đổi thói quen ứng xử cần có sự thừa nhận của bên tiếp nhận. Trong thực tế, nhận thức về pháp lý, công nhận văn bản đã được ký số vẫn còn hạn chế, đây là thực tiễn kìm hãm sự phát triển các ứng dụng sử dụng chữ ký số như một thành tố bắt buộc trong giao dịch điện tử.
Hoạt động tuyên truyền, truyền thông về chữ ký số còn hạn chế. Việc tuyên truyền về chữ ký số không những phải được thực hiện tới người dân mà bản thân trong hệ thống chính trị, xã hội, những người sẽ trực tiếp tiếp nhận các bản điện tử hồ sơ cũng cần phải được hiểu về bản chất và công nhận loại hình này. Chữ ký số là sản phẩm công nghệ, trong quá trình phát triển lượng người dùng đối với một loại dịch vụ hay sản phẩm công nghệ thường sẽ gặp một trong 03 loại sau: Là sản phẩm thất bại khi người dùng quá ít, không khẳng định được lợi ích thực tiễn. Là sản phẩm đã khẳng định được lợi ích thực tiễn nhưng còn hạn chế về một số mặt như độ hoàn thiện sản phẩm, kế hoạch tuyên truyền, chính sách… những hạn chế này sẽ cản trở người dùng mới và sự quay lại của người đã sử dụng. Là sản phẩm tăng trưởng đều và đáp ứng đúng nhu cầu của rất nhiều người vào thời điểm đó, khiến sản phẩm trở thành thói quen mới của người dân, dẫn tới lượng người dùng tăng đột biến. Qua phân tích dựa trên số liệu thống kê và thói quen sử dụng, chữ ký số tại Việt Nam đang nằm ở loại tăng trưởng đều, tức là chưa gặp được điểm bứt phá.
Cơ hội và thử thách để chữ ký số tiếp cận gần hơn với người dân
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chuyển đổi số quốc gia đang từng ngày vào từng ngõ ngách cuộc sống của Việt Nam, đây cũng chính là cơ hội và thử thách để chữ ký số tiếp cận gần hơn với nhiều người dân hơn nữa. Chuyển đổi số quốc gia sẽ số hóa hầu hết các thủ tục hành chính, văn bản,… giúp giảm thời gian và chi phí cho chính quyền và nhân dân. Đây là thời điểm người dân cần biết tới những lợi ích của chữ ký số, đó cũng chính là thời điểm để phát triển bùng nổ số lượng chữ ký số cá nhân.
Tuy nhiên bên cạnh cơ hội thì thách thức cũng không ít, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thay đổi thói quen ứng xử, quan điểm của đại đa số dân chúng là một công việc đầy khó khăn. Như trong quá khứ, việc yêu cầu bắt buộc sử dụng mũ bảo hiểm cũng đã từng gặp rất nhiều ý kiến trái chiều và cần phải thắt chặt các hình thức xử phạt mới thay đổi được thói quen xã hội. Nhưng chữ ký điện tử nói chung và chữ ký số là các dịch vụ chưa thiết yếu trong đời sống nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong giao dịch điện tử. Vì vậy, cần đưa đến một cách tiếp cận mềm mỏng nhưng dồn dập để cả xã hội cùng nhận thức sự dịch chuyển và tạo ra nhu cầu đối với chữ ký số, từ đó, tạo nên một sự phát triển bền vững.
Chủ động các giải pháp
Nhằm giải quyết tất cả vấn đề và thách thức kể trên, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng tính chủ động của tất cả hệ thống chính trị là rất cần thiết. Chủ động trong chuyển đổi số, số hóa các thủ tục hành chính, văn bản, giao dịch, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử; chủ động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ thuật; chủ động khắc phục các điểm nghẽn, quy định còn chồng chéo, vướng mắc. Chỉ khi chủ động đưa ra giải pháp cùng với tuyên truyền, thuyết phục mới có thể dẫn tới việc người dân sẽ chủ động tiếp cận và sử dụng, sẵn sàng để “không bị động” trong sự phát triển, thay đổi của cuộc sống.
Ngoài ra, dù theo cách tiếp cận nào, áp dụng biện pháp này thì các giải pháp đưa ra cần có sự linh hoạt. Trước khi đưa ra giải pháp cần nắm bắt tình hình để có kế hoạch chủ động tiếp cận các nhóm người dùng theo việc làm, nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính,… Đây là phương pháp mà không chỉ tại Việt Nam mà là cách thức mà đa số các sản phẩm, dịch vụ công nghệ trên thế giới tiếp cận người dùng. Đi cùng với đó là các giải pháp tạo cơ chế, chính sách cho mỗi vùng/loại đối tượng để tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển đổi chữ ký tay sang chữ ký số.
- V/v triển khai Chiến dịch tuyên truyền “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024”.
- HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP TRÊN ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG QUA ỨNG DỤNG VNEID
- Chủ đề ngày Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá 10/10/2024
- Thanh toán trực tuyến - Nếp sống mới trong thời đại số của người dân
- NHIỆT LIỆT HƯỞNG ỨNG NGÀY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC QIA 10/10
- 6 bài học khi làm Dịch vụ công trực tuyến
- Hướng dẫn đăng ký tham gia giới thiệu mua và bán các sản phẩm hàng hóa trên website Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thanh Hóa.
- Triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức “Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa” năm 2024.
- Việt Nam chính thức có ứng dụng giúp chặn cuộc gọi lừa đảo
- NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG ỨNG DỤNG VNEID TỪ NGÀY 1/7/2024
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
02373.742.289